Phong tục tập quán

Cúng Thanh Minh bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên

Đang tải...

Tiết Thanh Minh theo phong tục truyền thống là dịp để con cháu nhớ đến ông bà tổ tiên. Tuy đây không phải là cái tết lớn, nhưng nó gắn liền với truyền thống đạo đức và giá trị nhân văn sâu sắc của người Việt. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

cung-thanh-minh-bay-to-long-thanh-kinh-voi-ong-ba-to-tien

Theo các nhà tâm linh, Thanh Minh là lễ tiết hàng năm, sau Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Năm nay, Thanh Minh 2017 là ngày nào? Theo Lịch Vạn Niên, năm 2017 Thanh Minh bắt đầu từ 22h ngày 4/4 dương lịch (24/2 âm lịch) và kết thúc vào khoảng ngày 20, hay 21/4 khi tiết Cốc vũ bắt đầu.

Sau thời gian lập Xuân, cây cỏ tốt tươi trùm lên mộ, hơn nữa mưa ẩm có thể làm mộ sụt lở. Vì thế, tiết Thanh Minh được chọn là ngày tảo mộ vì đây là thời điểm này chấm dứt mưa phùn, nồm ẩm, trời dần chuyển sang ấm và sáng sủa. Thanh Minh là ngày mặt trời ở vị trí hoàng đạo, may mắn.

Lễ vật cúng Thanh Minh

Thanh Minh như một ngày giỗ chung của mọi nhà nhằm báo hiếu trả nghĩa người quá cố. Dù đi làm ăn xa ai cũng cố về thăm lại mộ phần của tổ tiên, đây là dịp người lớn dạy bảo con cháu, dâu rể biết về mộ phần, tên tuổi, vai vế của tổ tiên. Đây là sợi dây vô hình nối kết con cháu dòng tộc.

Khi cúng Thanh Minh, người lớn tuổi nhất trong gia tộc đi trước mang vàng hương, người trẻ tuổi đi sau đội mâm lễ, rồi thứ tự người già, trưởng nam, trưởng nữ, con cháu ruột nội ngoại, dâu rể. Người lớn thắp hương, sửa sang mộ phần, dâng hương hoa, vàng, nến… Con cháu theo sau để biết về gia tiên, dòng tộc.

Khi đi phải mang theo khá nhiều phẩm vật cúng lễ những không được phép nhờ người ngoài giúp vì điều này thể hiện lòng thành với tiên tổ. Khi kết thúc việc thắp hương và dâng lễ cho tổ tiên, mọi người sẽ đi dâng hương một vòng những ngôi mộ ở gần đó mà không có người tới thăm nom.

Lễ cúng Thanh Minh có lễ chay hoặc lễ mặn: lễ chay gồm nước, xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong…). Lễ mặn có thể: Nước, hương, đèn (nến), trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt (hoặc chân giò, gà luộc, khoanh giò nạc…), hoa quả. Về vấn đề lễ chay hay lễ mặn, ngày nay có những quan niệm khuyên nên cúng bằng lễ chay vì như vậy là không sát sinh nên vong hồn tổ tiên dễ siêu thoát.

Khi đến khu vực mộ phần tổ tiên, những người trong gia đình đặt lễ vào chỗ thờ chung, sau đó thắp hương, đèn. Ngoài ra, nên lưu lý một số điều kiêng kỵ khi đi tảo mộ tiết Thanh Minh phạm phải dễ gặp xui xẻo.

Các bước cúng Thanh Minh

Trước tiên là lễ cúng sơn thần, thổ địa… cai quản để xin quan thần linh thổ địa cho phép tảo mộ, chăm chút, phát quang, sửa sang, bồi thổ phần mộ.

Sau đó làm lễ khấn cầu cho vong linh người nhà được an nhàn yên ổn, siêu thoát, độ trì cho con cháu mạnh khỏe an bình.

Nếu là mộ xây thì xin phép được bao sái mộ chí, sơn vẽ, tu sửa phần bị hư hỏng. Với mộ đất thì xin phép làm sạch cỏ, đắp đất tôn cao… với tâm nguyện để mộ phát gia tộc mới thịnh vượng. Để mộ tăng vượng khí thì sơn, giấy, hoa ở mộ thường chọn màu đỏ.

Nếu đã đi cúng tại mộ phần thì phải thăm mộ tổ trước, rồi mới tới các mộ xung quanh đó. Người chủ lễ là trưởng họ (hoặc trưởng nam hoặc người già nhất họ) sẽ dâng hương, con cháu đồng tâm khấn vái.

Trong lúc chờ hương tàn thì gia chủ đi đến phần mộ của gia tiên thắp hương và khấn gia tiên để xin phép tu sửa, dọn dẹp cho phần mộ. Vì số lẻ tưởng trưng cho cõi âm nên số hương để thắp là lẻ (1 hoặc 3) còn đèn thì mang theo hai đèn hoặc 2 cây nến vì thắp lên, 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.

Sau khi hoàn tất các việc, chờ cho hương cháy được khoảng 2/3 thì thắp thêm một tuần hương nữa rồi xin phép tổ tiên hóa vàng. Tiền vàng khi đã cháy thành tro thì lấy một chén rượu cúng rẩy vào đám tro đó và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà. Nếu viết bài cúng ra giấy thì đọc xong đem hóa cùng tờ tiền giấy vàng.

Trong khi hành lễ cúng gia thần, gia tiên đều có hai hình thức là vái và lễ. Đối với vái thì các ngón tay đan vào nhau còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở ngang trước ngực. Sau khi lễ vật được đặt lên bàn thờ, thắp nhang mới vái hay lễ. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang trán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương.

Nếu không có điều kiện đi tới các phần mộ thì có thể cúng Thanh minh tại nhà, hoặc nhà thờ họ rồi chia lộc cho con cháu để thể hiện tình cảm anh em họ hàng máu mủ.

Một số lưu ý khi cúng Thanh Minh

Cúng Thanh Minh phải vừa tiết kiệm, trang trọng, văn minh xuất phát từ cái tâm, cái đức, giảm thiểu những thủ tục không cần thiết trong ma chay, xây lăng mộ… đỡ tốn kém cho con cháu. Không cần phải xây mộ to, đẹp, chi nhiều tiền để sắm vàng mã, di dời mộ.

Tiết Thanh Minh các gia đình là để tưởng nhớ tổ tiên, sum họp gia đình, bày tỏ lòng hiếu hạnh, thành kính sẽ tốt hơn là chi tiền mạnh tay để tỏ lòng thành kính bằng mê tín và tốn kém.

Ngoài ra, lưu ý các gia đình ở xa khi cúng Thanh Minh không nên ăn uống ở ngay mộ phần, bởi ở các nghĩa trang âm khí nặng nề, nghi ngút khói hương, tàn tro, bụi bặm nhiều. Tốt nhất là tảo mộ xong rồi tất cả trở về nhà sum họp vừa vui vẻ, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đang tải...

Tiết Thanh Minh nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội – là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi cá nhân chúng ta. Nếu không có điều kiện trở về quê hương trong dịp Thanh minh này, xin hãy hướng về nơi thiêng game ấy, bởi quê hương đi theo chúng ta suốt cuộc đời, in đậm dấu ấn trong từng nhân cách.

Đang tải...

Bình luận

Liên kết: