Ngày rằm tháng Giêng theo phong tục cổ, còn được gọi là tết Thượng nguyên. Đây là một tết nằm trong hệ thống Thượng – Trung – Hạ nguyên. Tết Thượng nguyên là rằm tháng Giêng, tết Trung nguyên là rằm tháng 7 và tết Hạ nguyên là rằm tháng 10.
Theo Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, 3 ngày tết này mang các ý nghĩa khác nhau. Tết Thượng nguyên là tết hướng thiên cầu phúc, Trung nguyên là địa quan xá tội, Hạ nguyên là thủy quan giải ách.
Lý giải về việc vì sao dân gian nói “cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng thứ nhất điều này có liên quan đến quan niệm coi trọng cái ban đầu. Người Việt cho rằng phàm làm bất kỳ điều gì hễ đầu xuôi thì đuôi lọt. Bởi vậy trong những ngày đầu năm, đầu tháng, người dân Việt có tục cúng vái và kiêng kỵ rất hệ trọng, nhất là những người kinh doanh. Quan niệm đó lại được mở rộng ra, coi trọng cả tháng đầu năm là tháng giêng. Mà trong mỗi tháng có hai tiết sóc vọng là ngày mồng một và hôm rằm. Ngày mồng một tháng giêng là tết Nguyên đán rồi cho nên rằm tháng giêng do đó cũng được coi trọng cho xứng đáng.
Vì sao cúng cả năm lại không bằng cúng rằm tháng Giêng?
Giáo sư Trần Ngọc Thêm viết: “Không chỉ ngày đầu năm, mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng; thêm vào đó, tháng này công việc lại ít nên tháng Giêng có nhiều Tết hơn hẳn các tháng khác. Ngoài tết Nguyên đán còn có tết rằm tháng Giêng – đó là ngày trăng tròn đầu tiên, là tết Thượng nguyên hướng thiên cầu phúc”.
Thứ hai, ngày rằm tháng Giêng còn được coi là ngày vía của đức phật A Di Đà, mà trong Phật giáo, đức phật A Di Đà là giáo chủ ở cõi Tây phương cực lạc. Là một vị phật gắn với tương lai tốt đẹp, huy hoàng, không có khổ đau. Phái Tịnh độ tông chủ trương khuyên quần chúng chú tâm tụng niệm danh hiệu phật A Di Đà để khi chết đi được vãng sanh vào cõi Tây phương cực lạc của đức phật này. Bởi thế nên cúng cả năm cũng không bằng rằm tháng giêng là như vậy.
Với những người theo đạo Phật, thật ra rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật Giáo so với rằm tháng tư (lễ Phật Đản) và rằm tháng bảy (lễ Vu Lan), nhưng trùng hợp với lễ Thượng Nguyên và tết Nguyên Tiêu trong dân gian, lại thêm cái không khí vui xuân còn đậm đà của ngày rằm đầu tiên cho năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, cho nên giới Phật Tử cũng như dân chúng đi chùa lễ Phật rất đông đảo. Do tính chất hòa nhập lan tỏa như vậy nên đã từ rất lâu trong dân gian hình thành câu thành ngữ quen thuộc: Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng.
Như vậy, có thể nói rằng quan niệm “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” là hệ quả xuất phát từ quan niệm coi trọng những cái đầu tiên của người Việt. Sau đó, qua quá trình tiếp thu và dung hòa các nền văn hóa, tôn giáo, ngày rằm tháng Giêng lại được gắn thêm các ý nghĩa mới nên càng quan trọng. Mặt khác đặt trong hoàn cảnh tháng Giêng là tháng ăn chơi, với dư âm của dịp tết cho nên ý nghĩa của nó lại càng được người dân chú trọng đề cao.
Cúng rằng tháng Giêng bằng mâm cỗ chay
Một chút khéo léo, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí mà vẫn chuẩn bị được mâm cỗ chay cúng rằm tháng giêng đẩy đủ, ngon miệng.
Rằm tháng Giêng (ngày 15/1 Âm lịch) thường được xem là ngày quan trọng đối với người Việt. Nhiều người quan niệm ngày này cần tránh sát sinh, ăn uống chay tịnh để thanh thản, cầu may mắn, đủ đầy cả năm. Chính vì vậy, nhiều gia đình thường chuẩn bị các mâm cỗ chay cúng rằm tháng giêng có 10, 12 hoặc 20 món để thắp hương vào dịp này.
Tuy nhiên, để tiết kiệm hơn, bác Lời (một đầu bếp lâu năm) tư vấn: “Trung bình một mâm cỗ chay cúng rằm tháng giêng từ 7-10 món có chi phí từ 300.000 – 400.000 đồng mà vẫn đảm bảo đủ đầy, bày biện đẹp mắt”.
Mâm cỗ chay có thể tùy loại nhưng nên đảm bảo màu sắc nguyên liệu, món ăn tượng trưng cho ngũ hành (màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim) – bác Lời cho biết thêm.
Thực đơn tham khảo cho mâm cỗ chay tiết kiệm gồm: các món như nem cuốn, rau xào thập cẩm, nộm giá đỗ, giò lụa/giò xào, cá thu sốt ngũ liễu, nấm tẩm bột chiên, heo quay, canh chua.
Lựa chọn các nguyên liệu nấu xôi như gạo nếp, đậu xanh, gạo lứt, hạt sen. Với nguyên liệu từ hạt sen và đậu xanh, gạo nếp, bạn có thể làm được món xôi vò hạt sen cho mâm cỗ. Giò chay làm từ váng đậu hoặc đậu xanh, mì căn hoặc các loại giò nấm.
Chè trôi, chè trôi ngũ sắc tượng trưng cho sự đủ đầy, trọn vẹn, hanh thông công việc của năm mới cũng không tốn nhiều chi phí.
Đừng quên tham khảo các chủ cửa hàng bán món ăn chay về cách chọn thực phẩm ngon và cách chế biến món ăn ngon, đa dạng. Tại các cửa hàng bán cỗ chay thường có thực đơn mẫm cỗ và mức giá các món. Tham khảo thực đơn này là một trong những cách giúp bạn chuẩn bị một mâm cỗ đa dạng và hợp chi phí.
Một mâm cỗ chay sẽ bớt đơn điệu mà vẫn đủ đầy khi bạn chọn đa dạng các loại nguyên liệu chế biến, kết hợp chúng với nhau (đồ khô và đồ tươi), Nhiều loại rau vừa có thể làm món xào nấu lại có thể tận dụng để trang trí, bày biện cho mẫm cỗ thêm đẹp (cà chua, cà rốt…) lại tiết kiệm chi phí. Kết hợp đa dạng thực phẩm chay sẽ giúp tăng thêm lượng dinh dưỡng cho món ăn trên mâm cỗ.