Phong tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt Nam. Mỗi năm có rất nhiều dịp người dân đốt vàng mã, đầu tháng, rằm, các dịp lễ tết, giỗ,… với quan niệm rằng người cõi âm, thần linh có thể nhận được và phù hộ lại cho con cháu trên trần gian. Tuy nhiên, phong tục này có thực là như người ta vẫn tin không?
Nguồn gốc của phong tục đốt tiền giấy
Trong dân gian có lưu truyền rất nhiều câu chuyện liên quan đến phong tục đốt tiền giấy. Trong số đó có một câu chuyện lý giải nguồn gốc của nó.
Câu chuyện kể về một vị tú tài có tên là Vưu Văn Nhất, chăm chỉ, ngày đêm dùi mài kinh sử, nhưng đi thi đến cả chục năm vẫn không lần nào đỗ. Thất vọng, chán trường, ông quyết treo bút chuyển theo nghiệp kinh doanh buôn bán.
Vưu tú tài tìm đến một gia đình họ Đại để xin theo nghiệp làm giấy. Vốn thông minh hơn người, ông được Đại gia coi trọng, tận tình chỉ bảo và đem toàn bộ kỹ thuật gia truyền truyền lại cho.
Vài năm sau đó, lão gia họ Đại qua đời, Vưu tú tài được kế thừa sự nghiệp làm giấy. Giấy của ông ngày càng tốt, chuẩn chất lượng, nhưng thời đó không nhiều sử dụng giấy, nên giấy sản xuất ra mãi mà không bán được.
Vưu tú tài vô cùng phiền não, chẳng màng cơm nước, cứ nằm trên giường lâu thành ra không dậy nổi. Vài ngày sau, ông qua đời mà không nhắm được mắt. Gia đình thương tiếc khóc ngất, bạn bè gần xa biết tin cũng đến chia buồn.
Vợ của Vưu tú tài vừa khóc vừa nói: “Gia cảnh chúng tôi nghèo túng, không có gì có thể chôn cùng. Thôi thì đem giấy đốt chôn cùng ông ấy vậy!”.
Thế là gia đình cử một người đi đốt giấy trước linh cữu của vị tú tài. Ba ngày sau, ông đột nhiên ngồi dậy, miệng nói không ngớt: “Mau đốt giấy, mau đốt giấy”.
Mọi người tưởng linh hồn ông chưa siêu thoát, nên hiện về ai nấy đều rất sợ hãi. Nhưng Vưu tú tài nói: “Đừng sợ, tôi sống lại rồi, là Diêm Vương cho tôi trở về”.
Thấy mọi người ai nấy đều chưa hiểu. Ông nói: “Là các người đốt giấy đã cứu tôi. Giấy sau khi đốt, tới âm tào Địa phủ liền biến thành tiền. Tôi dùng tiền này để mua thông qua Diêm Vương gia, Diêm Vương liền thả tôi trở về”.
Mọi người dần vỡ lẽ và hiểu ra, tỏ ra hết sức vui mừng và tiếp tục đốt thêm không ít giấy. Sự việc này sau đó truyền đi nhanh chóng khắp huyện thành, tuy nhiên, cũng có người cho rằng nhảm nhí, không tin.
Có một lão viên ngoại kia giàu có tìm đến Vưu tú tài và nói: “Gia đình ta dùng tiền vàng chôn cùng người đã khuất, chẳng phải so với giấy giá trị hơn tiền sao?”.
Vưu tú tài liền trả lời: “Viên ngoại không biết rồi, tiền vàng là người trần gian sử dụng, tuyệt đối không thể mang xuống địa ngục được. Nếu không tin, viên ngoại hãy đào mộ của tổ tiên đã chồn cùng tiền vàng lên, đảm bảo tiền vàng vẫn là tiền vàng”.
Lý lẽ của Vưu tú tài đã thuyết phục được vị viên ngoại. Ông liền bảo Vưu tú tài làm thật nhiều tiền giấy để mua. Cũng từ đó, mọi người trong ngoài huyện thành tuốn đến mua giấy, giấy gia đình ông làm ra không đủ để bán.
Nhưng kỳ thực, có một bí mật ở đây mà không mấy người biết, chính là: Vưu tú tài thực ra không chết đi sống lại, chỉ là vì mãi không bán được giấy, đã cùng vợ bàn bạc thực hiện một kế sách như vậy. Và sự việc trót lọt, cũng từ đó việc đốt giấy cho người chết đã trở thành một phong tục được lưu truyền mấy trăm năm mãi cho đến ngày nay.
Những chất độc hại từ việc đốt vàng mã
Rất nhiều quốc gia trên thế giới không chỉ ở Việt Nam phong tục đốt tiền giấy, đốt hàng mã này. Ước tính, mỗi năm ở Đài Loan, lượng CO2 được sinh ra từ việc đốt tiền giấy bằng lượng khí thải này được sinh ra từ 6,5 triệu xe chạy 1.000 km vòng quanh đảo. Theo thống kê, mỗi năm người dân Việt Nam tiêu tốn một số tiền không lồ vào việc mua và đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Tính riêng ở Hà Nội, mỗi năm tiêu tốn hơn 400 tỷ đồng vào việc đốt cho vàng mã.
Một năm có rất nhiều dịp lễ tết, cúng giỗ, cúng đầu tháng, cúng rằm, mỗi lần đều thiêu đốt như vậy, gây nên những tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con người chúng ta. Thế là chính chúng ta đang làm tổn hại đến môi trường sống và sức khỏe của mình.
Đã có nghiên cứu phát hiện ra giấy vàng mã có chứa chất độc hại “benzen” (C6H6). Đây là một loại chất độc và chất gây mê, nhẹ thì gây chóng mặt, đau đầu và kích động, nặng thì co giật, ảnh hưởng đến hô hấp và có thể tử vong. Người bị nhiễm độc có triệu chứng bước chân không vững và tinh thần xáo trộn, gây ra các bệnh bệnh về mắt, da, đường hô hấp, bệnh về máu, ảnh hưởng đối với hệ thần kinh trung ương, hơn nữa có thể gây ung thư.
Điều đáng chú ý là, toluene (methylbenzen) khi tiêu hóa, hô hấp, nó sẽ dẫn đến một hiệu ứng tích lũy trên cơ thể con người, nếu lâu dài sẽ nhiễm độc mãn tính. Tác hại có thể gây ra bao gồm: ngủ không yên giấc và mất cảm giác, gây tổn hại hệ thống thần kinh trung ương, mất trí nhớ, tiếp xúc lâu dài có thể ảnh hưởng đến thính giác và gây viêm da.
Độc hại hơn nữa, rất nhiều người khi hóa vàng thường bỏ luôn cả dây chun, túi nhựa và các vật phẩm đựng khác vào đốt cùng. Kết quả độc càng thêm độc, đối với sức khỏe lại càng nguy hại hơn nữa.
Thành tâm hướng thiện mới là điều quan trọng
Quan niệm về đốt tiền vàng cho người chết của chúng ta cần được thay đổi. Thờ cúng quan trọng nhất là lòng thành, bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều gì gian ác. Đây chính là điều gọi là tâm thành thì linh.
Linh nghiệm hay không, không phải ở chỗ bạn đốt nhiều hay ít tiền giấy; cũng không có nghĩa là bạn sau khi đốt tiền giấy, không cần phải nỗ lực mà liền được Thánh thần phù hộ cho bạn.