Phong tục tập quán

Đặc sắc lễ hội chùa Thầy

Đang tải...

Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ. Lễ cúng Phật và trai đàn – một diễn xướng có tính chất tôn giáo – được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc.

Hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở

Le-hoi-chua-Thay-7-3-AL

Le-hoi-chua-Thay-7-3-AL

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nơi thờ pháp sư Từ Ðạo Hạnh với 3 kiếp sống của ông. Ông là Tăng, là Phật, là Vua và được nhân dân coi là ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Nơi “hóa” của thiền sư Từ Đạo Hạnh

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai và chùa Láng ở phố Chùa Láng, quận Đống Đa đều gắn liền với cuộc đời tu hành của Từ Đạo Hạnh. Cả hai ngôi chùa này đều tổ chức lễ kỵ Thánh đúng ngày 7-3 âm lịch nên có câu: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”. Chùa Láng là nơi tu hành giai đoạn đầu còn chùa Thầy là nơi tu hành và “hóa” của Từ Đạo Hạnh. Hơn nghìn năm trước, Từ Đạo Hạnh là thế hệ thứ 12 của dòng tu Tì-ni-đa-lưu-chi đã chọn núi Sài Sơn để tu hành, giảng đạo, làm thuốc và dạy học. Nhân dân quanh vùng gọi ông là “Thầy”. Sau khi ông “hóa” tại đây, nhân dân gọi núi Sài Sơn là núi Thầy và “Hương Hải am” được xây dựng thành chùa Thầy từ thời vua Lý.

Chùa Thầy được xây dựng nhiều nhất và đẹp nhất vào thời nhà Lý. Trong các sách cổ và những câu chuyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, ngài đã trải qua 2 kiếp. Kiếp thiền sư tu hành và kiếp làm vua khi đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành vua Lý Thần Tông. Chính vì vậy, trong gian thờ có 2 điện thờ với 2 bức tượng đều của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Một bức tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật ở gian chính giữa. Điện thờ bên phải là bức tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp vua Lý Thần Tông. Và bên trái là “Khám” nơi lưu giữ tượng tương truyền là “nhục thân” của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Khám này luôn đóng cửa kín quanh năm và chỉ mở một lần duy nhất đúng ngày 7-3 âm lịch để làm lễ tắm tượng.

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa cổ đẹp nhất nhì miền Bắc. Tựa lưng vào núi Sài Sơn, nhìn về hồ Long Chiểu. Giữa hồ có thủy đình như hòn ngọc giữa mắt rồng. Nơi đây thường tổ chức múa rối nước và cũng có giải thích cho rằng thiền sư Từ Đạo Hạnh chính là ông tổ của nghệ thuật múa rối nước.

Lời nguyền được hóa giải

chua-thay

chua-thay

Chùa Thầy là cả một cụm di tích gồm chùa dưới có tên Thiên Phúc Tự và chùa cao trên núi có tên Đỉnh Thiên Tự. Chùa dưới với hệ thống 3 tòa nhà song song của chùa chính và hệ thống bổ trợ xung quanh gồm cầu ngói, hồ Long Chiểu, thủy đình, sân rồng. Đi qua cầu ngói có tên cầu Nguyệt Tiên để lên núi. Đứng trên núi cao để thấy toàn cảnh chùa dưới với hồ nước xanh. Thấy cả cánh đồng lúa chín vàng bát ngát của Sài Sơn. Chả thế mà nhà thơ Quang Dũng đã viết trong “Đôi mắt người Sơn Tây”: “Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng”. Hấp dẫn và vui nhất là hang Cắc Cớ trên núi cao. Vào hang Cắc Cớ phải đốt đuốc soi đường, khi chui vào hang, đi sâu vào sẽ có một ngách hẹp mà người đi lên và người đi xuống phải áp sát vào nhau. Áp vào nhau để lách qua, bàn tay chàng trai vô tình chạm vào người cô gái, cô gái xấu hổ nhưng vẫn liếc nhìn mà nhớ khuôn mặt người con trai để còn “bắt conn”. Trai gái thọ thọ bất thân, nhưng vào hang Cắc Cớ thì gần nhau vô cùng. Chính vì thế nhiều đôi nên duyên vợ chồng sau khi vào hang Cắc Cớ. Từ đó mới câu “Gái chưa chồng vào hang Cắc Cớ/ Trai chưa vợ đi hội chùa Thầy”.

Đang tải...

Nhưng cũng có chuyện khá hay về 2 làng quanh chùa Thầy, làng Thụy và làng Đa. Khi dừng xe mua ổi của bà bán quán tên Hương, hỏi đây là làng nào. Bà Hương nói là làng Thụy và làng Đa rồi chêm thêm: “Hai làng Tà Phìn và Động Hía ở đây đấy”. Thì ra, từ xa xưa, hai làng này đã ghét nhau, đánh nhau, thù nhau và thề không cho trai gái lấy nhau. Câu chuyện từ xưa kể lại vào những ngày lễ hội, dân 2 làng cho ngựa đến rồi buộc ở bãi mía sau núi, rồi xô xát đánh lẫn nhau. Năm nào cũng đánh nhau đến mức “đóng đinh cột đình” thế không cho trai gái 2 bên lấy nhau. Dù cho gái làng Đa có vào hang Cắc Cớ, trai làng Thụy đi hội chùa Thầy thì có yêu nhau cũng không được lấy nhau.

Lời nguyền có từ bao giờ không rõ nhưng đến khoảng năm 1968 có một phụ nữ tên Hà Lê không rõ người làng Thụy hay làng Đa nhưng đã lấy chồng làng kia. Từ đó, lời nguyền bỗng dưng được hóa giải. Cũng có câu chuyện kể là do trai làng Thụy yêu gái làng Đa quá mà đóng gạch làm hẳn con đường nối 2 làng với nhau để các cụ cho gỡ bỏ lời nguyền. Lời nguyền được hóa giải nhưng hang Cắc Cớ chỗ đoạn hẹp đó lại bị sửa sang mở rộng, làm lối đi rộng rãi nên không còn cảnh trai gái tránh nhau phải gần sát vào nhau nữa.

Đang tải...

Bình luận

Liên kết: