Khẩu nghiệp mà chính bản thân ta gây ra, con người sẽ phải tự gánh chịu, và nghiệp báo có thể rất nặng nề. Chính vì vậy, cần phải ghi nhớ rằng “lời nói gió bay, nhưng nghiệp thì không bay”.
Câu chuyện cổ dưới đây là lời nhắc nhở đối với chúng ta.
Vào thời Già Diệp Như Lai, có một nhà sư trẻ tuổi hát rất hay. Cậu thường coi thường những tăng nhân khác khi cậu cùng họ hát những bài hát ca ngợi Phật. Cậu tin rằng giọng hát của cậu là hơn hẳn người khác, cả về sự trong trẻo và sâu sắc. Cậu đã hành xử kiêu ngạo và luôn thể hiện mình là siêu thường.
Có một vị sư già với giọng khàn khàn không thể hát tốt những bài hát ca ngợi Phật. Nhà sư trẻ luôn nhạo báng vị sư già này và nói với ông rằng giọng ông thật tồi tệ. Tất nhiên, cậu không biết rằng vị sư già đã tu đến quả vị La Hán.
Một ngày nọ, vị sư già hỏi nhà sư trẻ: “Cậu biết tôi không?”.
Nhà sư trẻ đáp: “Tôi đã biết ông từ lâu lắm rồi. Ông là nhà sư già với giọng hát khàn khàn khiến người ta khó chịu”.
Vị sư già nói với cậu: “Mặc dù tôi không thể hát hay, tôi đã giải thoát bản thân khỏi sự ràng buộc của sinh tử và không còn khổ não nơi thế gian này”.
Sau khi nghe điều này, nhà sư trẻ cảm thấy hoang mang và xấu hổ. Cậu hướng về vị sư già để sám hối, thế nhưng ác nghiệp đã được thiết lập. Cậu phải chịu đựng 500 năm luân hồi trong khổ báo vì ác khẩu.
Một lần nọ, có 500 lái buôn tụ tập lại để tới một nơi xa. Một trong số họ mang theo một con chó để canh gác vào ban đêm. Trên đường đi, con chó đã cắp mất một miếng thịt khi chủ nó đang ngủ. Khi người lái buôn thức giấc và thấy điều đã xảy ra, ông rất giận dữ và đánh đập con chó thậm tệ. Ông đã bỏ rơi con chó sau khi đánh gãy chân nó.
Lúc ấy, Xá Lợi Phất nhìn thấy điều này bằng thiên mục, ông đã tới cho con chó ăn uống và rồi thuyết Pháp cho nó. Sau khi nghe thuyết Pháp, con chó lập tức lăn ra chết và chuyển sinh vào một gia đình Bà La Môn ở thành Xá Vệ.
Khi Xá Lợi Phất đang một mình hành khất, một Bà La Môn trông thấy ông và hỏi: “Tôn giả, ông đi một mình hay đi với ai?”.
Xá Lợi Phất đáp: “Ông có một cậu con trai. Ông có thể để nó làm sa di cho tôi được không?”.
Vị Bà La Môn nói: “Nó mới chỉ lên bảy. Nó quá ít tuổi phải không?”.
Xá Lợi Phất đáp: “Vừa đúng tuổi”.
Bởi vì Xá Lợi Phất đã cho con chó ăn uống và thuyết pháp cho nó nghe, con chó đã chuyển sinh thành tiểu sa di để báo đáp ân cứu mạng của ông.
Khi nghe Xá Lợi Phất giảng Pháp, tiểu sa di lĩnh ngộ rất nhanh và mau chóng đắc chính quả. Khi tự giải thoát, cậu mới nhận ra rằng, mình đã phải chịu đựng 500 năm luân hồi trong khổ báo chỉ vì ác khẩu với vị sư già.
Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng, khẩu nghiệp gây ra sẽ phải tự gánh, và nghiệp báo có thể rất nặng.
Để tránh khẩu nghiệp, con người nên có tâm nhẫn và tấm lòng bao dung, đối với mọi sự việc trên đời cần vị tha rộng lượng. Sống như vậy mới mong tránh được khẩu nghiệp và nhân được phúc báo về sau.
Đối với những người tu luyện cũng không ngoại lệ, không thể lấy thế mạnh của mình để so sánh với thiếu sót của người khác. Đó là bởi vì chúng ta vĩnh viễn không thể đo lường mức độ tâm tính của người khác cũng như tầng thứ chứng ngộ Pháp lý của họ.