Ngày 15 tháng Giêng hằng năm, những nơi cúng giải hạn sao Thái Bạch luôn có rất đông người tham dự. Bởi theo quan niệm, ngày rằm (15) là ngày sao Thái Bạch giáng trần.
Ngày này, người Hà Nội thường quen với cảnh hàng vạn người đến chùa làm lễ giải hạn. Nhiều ngôi chùa, người đến làm lễ ngồi chật kín từ trong chùa ra đến lòng đường, vỉa hè khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng.
Cúng sao giải hạn có nhất thiết phải cúng sao giải hạn?
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, nguồn gốc dâng sao giải hạn xuất phát từ quan niệm trong Đạo giáo của Trung Quốc. Theo đó, sẽ có 9 ngôi sao chiếu mệnh vào con người.
Trong đó có các sao xấu như: La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán. Các sao tốt như Thủy Diệu, Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức. Mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Theo chu kỳ 9 năm, sẽ trở lại sao ban đầu.
Cũng theo quan niệm, người nào bị sao xấu chiếu mệnh sẽ gặp “vận hạn” trong cả năm đó. Muốn hết vận đen phải làm lễ cúng sao giải hạn.
Đặc biệt sao Thái Bạch được cho là “xấu nhất trong các sao xấu”, gắn liền với câu “Thái Bạch quét sạch của nhà”. Nếu người nào bị sao Thái Bạch chiếu, trong năm nay sẽ gặp hạn về sức khỏe, mất tiền của, không làm ăn được…
Cũng như vậy, dân gian có câu “nam La Hầu, nữ Kế Đô” để nói về vận hạn của người bị các sao này chiếu mệnh. Sao La Hầu mang vận hạn hay bị vu oan, thị phi, nói không thành có, mọi người nếu gặp trường hợp này thì không nên nói lại mà im lặng… Sao Kế Đô mang vận hạn họa vô đơn chí, đau khổ buồn rầu, hao tài tốn của…
“Gieo nhân nào, gặt quả đó”
Theo Thượng tọa Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dâng sao giải hạn là tập quán xuất phát từ Trung Quốc. Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn và cũng không có quan niệm sao chiếu mệnh nào tốt, sao nào xấu.
Do vậy, người nào bị “sao xấu” chiếu mệnh không cần phải lo lắng, người nào có sao chiếu mệnh tốt không được chủ quan mà thiếu cẩn trọng trong hành động suy nghĩ. Cũng như vậy, không có ngày tốt, ngày xấu, tháng tốt, tháng xấu. Ví dụ, trong ngày tốt mà con người ta làm việc xấu thì lại chính là ngày xấu với người đó.
“Họa phúc của con người không phải do sao tốt hay sao xấu chiếu mà do chính hành động, lời nói, suy nghĩ của mình gây ra”, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ.
Thượng tọa giải thích, theo luật nhân – quả trong Phật giáo, người “gieo nhân nào gặt quả đó”. Nếu hành động, lời nói, suy nghĩ tốt sẽ tạo được “nghiệp” tốt, từ đó gặp may mắn, điều tốt lành. Ngược lại sẽ tạo “nghiệp” xấu, từ đó gặp tai ương, vận hạn.
Thượng tọa khuyên mỗi người trước khi làm việc gì nên cân nhắc, xem xét xem việc mình làm có gây hại mình hại người hay không? Nếu làm hại cho người khác thì đừng có làm.
Theo Thượng tọa Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện tại các chùa làm lễ ngày 15 Âm lịch cho người dân đến dâng sao giải hạn thực chất là Lễ cầu an của Phật giáo.
Thượng tọa giải thích, cầu an ở đây không phải là cầu xin, van xin để được bình an, mà là nhắc lại lời Phật dạy, hướng mọi người làm theo lời Phật để đạt được mong muốn bình an, an lạc.
Nhà nghiên cứu văn hóa, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng, ngày càng có nhiều người đi dâng sao giải hạn, đặc biệt, phải kể đến giới doanh nhân, người làm ăn buôn bán…
“Do tâm lý bất an, sợ vận đen ập đến do sao chiếu mệnh nên nhiều người đi giải hạn đầu năm cho yên tâm”, ông Sơn nhận định. Tuy nhiên, ông Sơn cũng lưu ý rằng, “sao chiếu mệnh” chỉ là quan niệm về mặt lý thuyết, trên thực tế, chưa ai kiểm chứng được điều này đúng sai ra sao.
Theo ông Sơn, chưa chắc người giải hạn an toàn, người không giải hạn rủi ro. Có khi người giải hạn rồi có tâm lý chủ quan nên hỏng việc. Người không dâng sao giải hạn làm gì cũng cẩn thận nên dễ thành công.
Cúng giải hạn đầu năm chỉ là biện pháp tâm lý để mỗi người cảm thấy yên tâm hơn. Ở chùa, các thầy chỉ là người trợ giúp, còn việc tự răn mình cẩn trọng, an toàn… người dân phải tự ý thức lấy.