Trong nhiều năm gần đây, người ta vẫn rỉ tai nhau về sự linh nghiệm của ngôi chùa Hà. Chủ yếu người đến đây để cầu duyên, cầu tình và khi về ai cũng tìm được cho mình một nửa lý tưởng.
Cầu duyên tại chùa Hà
“Có người yêu chưa? Chưa có á, thật không? Xinh thế này mà chưa có thì vô lý nhỉ. Thôi đi chùa Hà đi, đảm bảo sang năm cưới ngay”. Đó là lí do chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) quanh năm đông khách viếng thăm, chủ yếu là các bạn trẻ.
Không giống các di tích lịch sử có tích gắn liền với những câu chuyện liên quan, việc cầu duyên ở chùa Hà hoàn toàn là tự phát, do “rỉ tai” mà nên. Người nọ mách người kia, người kia lại mách người kia nữa với những ví dụ, minh chứng rất hùng hồn về việc thiêng game, ứng nghiệm khi cầu khấn nơi đây.
Người ta truyền tai nhau về sự linh nghiệm của ngôi chùa trên các diễn dàn. Có người khoe: “Tớ đến đây cầu duyên, mấy tháng sau có liền. Được chàng ưng ý lắm”. Có người khẳng định: “Phòng không mấy năm trời, tớ vừa đến chùa Hà khấn nguyện, gặp ngay người yêu, giờ sắp cưới rồi nhé”.
Cũng có người đến cầu chùa Hà rồi được duyên, đã cưới được mấy năm, có con cái, sống rất phúc. Người ta còn mách nhau đến đó phải mua lễ như thế nào, muốn cầu tài lộc thì đặt lễ ở chính điện, còn nếu cầu duyên thì dâng hương ban thờ Mẫu mới linh nghiệm.
Bởi thế, không chỉ đông khách lúc ra giêng “vào mùa” khấn nguyện duyên lành hoặc ngày “Thất tịch” (tức ngày 7 – 7 âm lịch, tương truyền là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau) mà quanh năm nơi đây dập dìu nam thanh nữ tú. Không chỉ có người Hà Nội, nhiều người từ các nơi khác đến, nghe tiếng đồn cũng phải đến bằng được để mong mỏi mình hết cảnh “vô duyên”, lẻ bóng. Điều này tạo nên một đặc trưng của chùa Hà so với những ngôi chùa khác là đường vào chùa bán rất nhiều hoa hồng, loại hoa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Các loại “phụ kiện” dành cho tình yêu đôi lứa như nhẫn, vòng cũng bán thành từng đôi, từng cặp cho những người đến lễ mua về lấy may. Theo đó, dịch vụ viết sớ, biện lễ cũng nhộn nhịp theo. Đó là chưa kể các “dịch vụ” xem bói, cắt duyên âm cũng được đà. Bởi lẽ, theo quan niệm dân gian, người cao số, mãi không lấy được chồng, được vợ là do có “người âm” theo đuổi, phải có thầy cao tay, bày biện lễ đúng nghi thức, cắt cái duyên âm ấy đi, để “người âm” khỏi theo đuổi, cản trở thì “duyên trần” mới đến, trai mới dựng vợ, gái mới gả chồng được.
“Duyên số” chả chừa ai, nên không chỉ có những người nhỡ thì, nhan sắc hạng trung, mà rất nhiều chàng trai cô gái thuộc dạng “công tử bạch mã”, “má phấn môi son” trẻ trung xinh xắn cũng đến chùa Hà. Người thì có “hoàn cảnh” là cứ yêu được một thời gian lại chia tay, không đi đến đích cuối cùng. Người lại chưa từng một lần được biết đến hương vị tình yêu, mặc dù học thức, tiền bạc, ngoại hình chả kém cạnh gì ai. Tất cả đều tại chữ “duyên” chưa đến. Bên cạnh đó, có cả những người đã lấy chồng lấy vợ cũng đến để cầu mong vợ chồng được hòa thuận, ăn ở trọn đời, trọn kiếp với nhau. Cũng không ít người sau khi lỡ dở một lần đò, đến để cầu mong sớm gặp được người thứ hai ưng ý.
Tuy vậy, ngoài tin đồn cầu duyên linh thiêng, chùa Hà cũng được cho là nơi chỉ cầu được duyên chưa đến, chứ nếu duyên đến rồi, cầu thì chỉ có… tan mà thôi. Có bạn chia sẻ trên một diễn đàn mạng: “Nếu mà thật sự muốn đi cầu thì cũng nên tìm hiểu tập tục của nó trước khi làm chứ một cặp lên chùa mà lại cầu tình duyên tức là cặp đó chia tay luôn mỗi người muốn một duyên mới đấy”. Cũng không rõ có bằng chứng gì về việc các đôi yêu nhau cùng lên chùa cầu duyên rồi trở về đều chia tay nhau hay không, song việc này cũng trở thành một kinh nghiệm “xương máu” mà các bạn trẻ Hà Nội tuyệt nhiên tránh.
Chùa Hà – Ngôi chùa cầu duyên linh thiêng
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà. Trước kia chùa Hà thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), nay thuộc phố Chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội).
Về lí do xây dựng chùa Hà có hai truyền thuyết đều gắn với vua Lý Thánh Tông. Một là trên đường đi cầu tự về, vua có ghé chùa, cho tiền trùng tu, vì vậy chùa có tên là Thánh Đức. Hai là chùa được lập nên để vua Lý Nhân Tông bày tỏ lòng nhớ ơn các vị đại thần đã cưu mang, phò trợ mình lên ngôi. Như vậy, chùa không có truyền thuyết nào liên quan đến việc tình yêu đôi lứa. Chùa Hà trải qua nhiều thăng trầm với thời gian, ngày nay rất đẹp và bề thế. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái.
Chùa chính kết cấu kiểu chữ Đinh có Tiền đường và Thượng điện, tam bảo năm gian rộng. Tòa phật điện của chùa được bố trí theo nhiều lớp. Đức Ông chùa Hà rất linh thiêng nên dân quanh vùng có câu “Đức Ông chùa Hà, Đức Bà chùa Hương”. Phía sau chính điện của chùa là Điện Mẫu. Kiến trúc Điện Mẫu bao gồm phía trước là phương đình, phía sau là Thần điện. Gian chính giữa đặt Mẫu Thượng Thiên trang phục màu đỏ, bên trái là tượng Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh, bên phải là tượng Mẫu Thủy trang phục màu trắng, ngoài ra còn có tượng các ông hoàng, bà chúa, tượng cô cậu khác.