Lô Quân, người Lam Điền (nay là huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) sống ở triều Đường, thi đậu tiến sĩ, là Thượng Thư lang, khi đang làm quan thứ sử châu Quân thì bị bệnh. Sau khi đến quận thì bệnh tình ngày càng nặng hơn, trong người luôn không khỏe, nên thường sống một mình ở một ngọn núi phía sau quận để ăn chay, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Hơn nữa còn gần như cách ly với những người hầu hạ bên dưới, ông mà không gọi thì không người nào dám đến trước mặt ông.
Đến một ngày, Lô Quân chợt nhìn thấy một người từ xa đi đến, người này có nhiều cử chỉ kỳ lạ, hỏi ông ta từ đâu đến, thì ông ấy trả lời là mình họ Vương, sống ở trong núi. Lô Quân cười nói với vị khách lạ: “Ngươi chính là Vương sơn nhân, lần này tới đây chỉ giáo ta điều gì đây?”.
Vương sơn nhân nói: “Ông bổng lộc nhiều, chức quyền cao quý, địa vị ở đỉnh cao, nhưng mà sống không được lâu, vận mệnh tai họa sâu dày, bởi vậy có ở lâu thì bệnh cũng mãi không dứt, cho nên ta mới đến cứu ông”.
Nghe vậy, Lô Quân định gọi người mang trà mời khách, Vương sơn nhân ngăn cản, sau đó dùng đai lưng nhúng vào nước giếng, rồi đưa ra một viên đan dược, vắt nước từ dây đai lưng, đưa cho Lôi Quân uống thuốc.
Vương sơn nhân nói với Lô Quân: “Từ nay đến 5 ngày sau, bệnh sẽ khỏi, còn khỏe gấp đôi lúc bình thường. Hai năm sau sẽ gặp vận rủi lớn. Cần phải nhớ người làm quan nhất định phải tích âm đức, tuyệt đối không thể làm theo ý thích của bản thân, nhất thời hỉ nộ, càng không thể tin lời tiểu nhân, cần tinh tế thể nghiệm và quan sát tình hình bên dưới. Nếu cố ý làm điều sai, lấy sai làm đúng, có điều mờ ám bên trong, chắc chắn sẽ gặp báo ứng. Cần làm nhiều việc thiện, lấy việc cứu người xót vật đứng đầu trong ý nghĩ, sau này sẽ còn gặp lại, thời gian là đầu hạ”.
Chừng mười ngày sau thì Lô Quân hoàn toàn bình phục.
Hai năm sau, Lô Quân thôi chức quay về kinh, tạm làm phán quan Diêm Thiết (chức quan phụ tá quan địa phương, xử lí công vụ thời Đường Tống, theo dân gian thì xem chức quan này là thuộc hạ của Diêm Vương, quyết định sự sống chết). Vào tháng tư mùa hạ, một lần đang đi xử lý công việc ở phía Đông, bỗng nhiên nhìn thấy Vương sơn nhân, bèn mời ông về nhà.
Vương sơn nhân cao hứng nói: “Ngươi năm nay là lần thứ hai thọ hạn đã qua. Vốn là tai họa rất nặng, nhưng bởi ngươi năm trước cai quản châu Quân đã rửa sạch án oan, cứu sống tính mạng của vài người, cho nên tai họa đã ngừng lại. Hiện trong tháng này, có 3 đến 5 ngày bị bệnh nhẹ mà thôi, đương nhiên không cần phải lo lắng. Mong ngươi tiếp tục tích lũy công đức”.
Ngày hôm sau Vương sơn nhân để lại một ít thuốc, sai hai người hầu đem đến các vùng lân cận để cấp phát cho người bệnh nghèo khổ, sau đó lại rời đi.
Lô Quân khi giữ chức Giám sát ngự sử, nổi tiếng là người tra xét kỹ lưỡng án oan, có gan vì nước bảo vệ luật pháp chủ trì chính nghĩa, từng cùng các quan can gián trong triều thượng tấu lên trên, giải oan cho không ít người, giúp cho nhiều người hàm oan được bảo toàn tính mạng. Vậy nên, ông được người đời khen ngợi.
Ông khi làm tiết độ sứ Lĩnh Nam, triều Đường khi ấy có vùng biển phía Nam thương thuyền đi biển lui tới thường xuyên, hàng hóa quý hiếm tập hợp rất nhiều, vị quan tiết độ sứ cũ luôn nghĩ cách kiếm lợi ở đây. Nhưng Lô Quân thì hoàn toàn ngược lại, thanh liêm kiên quyết không lấy một xu, hơn nữa mời giám quân chuyên quản việc này, bản thân mình tuyệt không can dự, việc này khiến cho thương nhân và nhân sĩ khắp nơi đều ca tụng.
Từ năm Trinh Quán thứ nhất đến lúc bấy giờ, các đại thần có tội bị lưu đày đến Lĩnh Nam và qua đời rất nhiều, con cháu của họ cũng nghèo khó không thể trở về quê nhà. Lô Quân cứu khốn phò nguy, ông cắt giảm tiền bổng lộc của mình để lo chỗ ăn ở và an táng cho họ, có bệnh thì tiếp tế y dược, đối với cô nhi ấu nữ thì lo liệu chuyện dựng vợ gả chồng, đã giúp đỡ được mấy trăm gia đình.
Lô Quân lại thỉnh tấu triều đình hủy bỏ những tiền thuế mà dân chúng khó có thể gánh vác, bởi vậy dân chúng lại càng thán phục đức nghĩa của ông, cách quản lý của ông cho dù không quá nghiêm ngặt nhưng lại cảm hóa được lòng dân. Ba năm sau Lô Quân mãn hạn làm quan ở nơi đây, đến lúc phải thay người, dân chúng mấy nghìn người kéo tới nha môn, muốn đúc tượng tạ ơn ông, nhưng ông kiên quyết từ chối không nhận.
Lô Quân làm quan lấy công liêm làm nhiệm vụ của mình, nổi tiếng nhân từ, công đức to lớn, triều đình coi ông là trụ cột, tiếp tục phong ông làm thái sư. Ông hưởng thọ 90 tuổi, không bệnh mà chết.
Theo vận mệnh, Lô Quân đúng ra phải có mấy lần gặp kiếp nạn, nhưng sau khi nghe lời giảng đạo của Vương sơn nhân, lấy cứu người xót vật làm trọng, một lòng thương dân, sửa lại án oan, cuối cùng thuận lợi vượt qua kiếp nạn, từ đó mà miễn trừ được vận rủi, hơn nữa còn được hưởng trường thọ. Con cháu đời sau cũng đỗ đạt thành danh, đây đều là nhờ việc tích đức mà có được, cũng chính là thiện hữu thiện báo.