Chim lợn kêu có phải như người ta vẫn nghĩ là một điềm gở, báo hiệu gia đình sắp có người sắp ra đi? Hãy cùng tìm hiểu để biết thực hư lành – dữ qua tiếng chim lợn kêu.
Quan niệm dân gian
Chim lợn và quạ đen là những loài động vật rất thông minh, đặc biệt riêng loài chim lợn hay còn gọi là cú lợn còn được các quốc gia phương tây nuôi thành thú cưng trong nhà.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hai loài vật này là bị dân gian coi là “quỷ dữ”, người ta tin rằng, khi loài chim này kêu chỉ mũi vào nhà, đó là điềm gở, đáng lo ngại, chúng là điềm báo vận hạn sẽ đến.
Người việt còn quan niệm rằng, một khi chim lợn hoặc quạ đen cất tiếng kêu tại đầu hồi nhà ai, thì trong gia đình người đó sẽ có người mất. Nếu 2 loài chim này kêu 7 tiếng thì sẽ ứng với người nam giới sẽ chết, còn nếu chúng kếu 9 tiếng thì người nữ sẽ là người mất.
Mặt khác, người ta còn tin rằng, khi con người sắp từ giã cõi đời, sẽ tự giải phóng một thứ mùi vô cùng đặc biệt, và lúc này chim lợn và quạ đen – 2 loài vật có thính giác vô cùng đặc biệt sẽ phát hiện và cất tiếng kêu ngay chỗ đó. Do chính quan niệm tâm linh này, nên khi người ta nghe thấy tiếng kêu của hai loài chim này và đặc biệt là âm thanh éc éc như lợn kéo dài trong đem khuya tĩnh mịch, càng khiến người nghe rợn người và thê lương hơn.
Thậm chí, có những tiếng chim lợn và quạ còn khiến cho cả ngôi làng tại đó, bàn tán liên tục rằng cái chết xảy xảy ra với một người nào đó, từ đây khiến tất cả mọi người suy diễn và đồn đoán.
Bởi quan niệm rằng, loài chim này mang đến những điều xui xẻo nên chúng luôn bị ghét bỏ, bị xua đuổi, thậm chí bị giết.
Chim lợn kêu có phải là một điềm xấu?
Việc chim lợn kêu báo trước có người chết phải chăng đó là loài thực sự đáng sợ? Tôi đem thắc mắc này tới hỏi một số nhà khoa học, câu trả lời nhận được hoàn toàn trái ngược.
TS Ngô Xuân Tường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho hay, ở Việt Nam hiện có 3 loài chim lợn thuộc họ Cú lợn (Tytonidae), bộ Cú (Strigiformes), gồm: Cú lợn lưng xám (Tyto alba), Cú lợn lưng nâu (Tyto capensis) và Cú lợn rừng (Phodilus badius). Chúng là những loài định cư, không phổ biến. Chúng sống ở những nơi gần người, trên các cây cao rậm rạp hoặc trên các trần nhà, vùng đồng cỏ (ở đồng bằng sông Cửu Long). Cú lợn thường làm tổ trong các hốc cây hoặc các hốc ở mái nhà, vùng đồng cỏ rậm. Thức ăn của chim lợn là chuột, chim nhỏ và thỉnh thoảng còn ăn cả bò sát nhỏ…
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cũng chỉ ra rằng, chính vì đặc điểm nguồn thức ăn của chim lợn thường sống gần với người, vậy nên chuyện chim lợn thường kêu ở khu dân cư, trên mái nhà, trong vườn… là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thêm vào đó, chim lợn là loài sống về đêm, tiếng kêu của chúng vang vọng giữa không gian tĩnh mịch dễ gợi cho người ta suy tưởng về những điều kỳ bí chứ thực ra đó chỉ đơn thuần là hoạt động sinh học.
TS Ngô Xuân Tường cũng thừa nhận, hiện nay chưa có công trình khoa học nào chứng minh được rằng chim lợn kêu báo hiệu người chết vì chúng phát hiện được mùi tử khí, cũng chưa có nghiên cứu chuyên sâu về tiếng kêu của chim lợn. “Việc chim lợn kêu rất nhiều trong một thời điểm nào đó ở một vùng nào đó có thể giải thích như sau: Tiếng kêu của chim lợn dùng để dọa con mồi, khiến con mồi hoảng sợ phải di chuyển để trốn chạy, khi đó chim lợn dễ dàng phát hiện ra. Trong quá trình đi kiếm mồi, không phải lúc nào chim lợn cũng kêu. Có thể còn nhiều lý do khác chưa được biết đến. Thứ nữa, trong thời kỳ sinh sản, do nhu cầu thức ăn tăng cao nên chim lợn phải nỗ lực kiếm ăn nhiều hơn. Do vậy chúng cũng kêu nhiều hơn. Thường thì chim lợn kêu nhiều vào mùa sinh sản”, ông Tường cho biết.